Nhảy tới nội dung

Núi Các Mác, suối Lê Nin thuộc tỉnh nào?

Tỉnh này thuộc khu vực miền núi phía Bắc, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở và hoạt động cách mạng trong những năm 1941-1945.

Câu 1: Núi Các Mác, suối Lê Nin thuộc tỉnh nào?

  • Lai Châu

  • Cao Bằng

  • Tuyên Quang

Đáp án câu 1

93% người chơi trả lời đúng câu hỏi này

Núi Các Mác, suối Lê Nin nằm trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Nơi đây nằm sát biên giới Việt - Trung, cách thành phố Cao Bằng 50 km. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở, hoạt động cách mạng tại đây trong những năm 1941-1945.

Suối Lê Nin và núi Các Mác đều do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên. Trước đó, suối Lê Nin được người dân địa phương gọi là Khuổi Giàng, còn ngọn núi Các Mác được gọi là Phja Tào. Ngoài hai địa danh này, cụm di tích đầu nguồn còn có hang Cốc Bó, Cột mốc 108,…

Một góc suối Lê Nin.

Câu 2: Tỉnh này có đường biên giới với Trung Quốc dài bao nhiêu?

  • Khoảng 333 km

  • Khoảng 133 km

  • Khoảng 233 km

Đáp án câu 2

31% người chơi trả lời đúng câu hỏi này

Theo Cổng thông tin điện tử Cao Bằng, tỉnh này thuộc miền núi, biên giới vùng Đông Bắc của Việt Nam. Phía nam Cao Bằng giáp hai tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn; phía tây giáp Hà Giang và Tuyên Quang; phía bắc và đông bắc giáp Quảng Tây (Trung Quốc).

Đường biên giới với Trung Quốc của Cao Bằng dài nhất cả nước, trên 333 km.

Câu 3: Thác nước nổi tiếng nằm giữa biên giới tỉnh này và Trung Quốc tên gì?

  • Bản Giốc

  • Tình Yêu

  • K50

Đáp án câu 3

96% người chơi trả lời đúng câu hỏi này

Thác Bản Giốc nằm trên sông Quây Sơn, tại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Phần thác ở địa phận Việt Nam nằm trên xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng.

Thác có độ cao 35 m, xếp thành 3 tầng, gồm nhiều ngọn thác lớn nhỏ với những tên gọi như: Đuây Bắc, Lầy Sản, Ngà Moong, Ngà Trang, Thoong Áng... Những khối nước lớn đổ xuống quanh nhiều bậc đá vôi tạo thành một màn bụi nước trắng xóa. Giữa thác có một mô đất rộng, phủ đầy cây, xẻ dòng sông thành ba lồng nước như ba dải lụa trắng. Vẻ đẹp này khiến thác Bản Giốc trở thành điểm đến không thể thiếu với du khách.

Thác Bản Giốc.

Câu 4: Nhà thơ nào quê ở tỉnh này?

  • Tố Hữu

  • Y Phương

  • Phạm Tiến Duật

Đáp án câu 4

59% người chơi trả lời đúng câu hỏi này

Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước, sinh năm 1948, là người dân tộc Tày ở Cao Bằng. Ông tốt nghiệp trường Điện ảnh Việt Nam và trường Viết văn Nguyễn Du, từng là Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin; Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.

Ông bắt đầu sự nghiệp thơ ca từ năm 1973, với những tác phẩm như Bếp nhà trời, Dáng một con sông. Y Phương sau đó phát hành hơn 10 tập thơ, trường ca như: Nói với con (1980), Tiếng hát tháng giêng (1986), Lửa hồng một góc (1987), Thơ Y Phương (2002), Vũ khúc Tày (2015)...., tản văn Tháng giêng, Tháng giêng một vòng dao quắm (2009), Kungfu người Co Xàu (2010) và một tập kịch Người của núi (1982)...

Nhà thơ nỗ lực giữ gìn và quảng bá văn hóa dân tộc Tày trong các tác phẩm. Trong đó, bài Nói với con được in trong sách giáo khoa lớp 9, là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách Y Phương.

Ông từng đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987 với tập thơ Tiếng hát tháng giêng, giải A của Hội đồng Văn học dân tộc - Hội nhà văn Việt Nam với tập Lời chúc... Ông nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.