Nhảy tới nội dung

Tỉnh miền Bắc nào là 'nơi dòng sông chảy ngược'?

Dòng sông lớn nhất tỉnh này chảy ngược lên Trung Quốc theo hướng Đông Nam - Tây Bắc, nhiều người gọi đây là 'nơi dòng sông chảy ngược'.

Câu 1: Tỉnh miền Bắc nào có dòng sông chảy ngược?

  • Quảng Ninh

  • Lạng Sơn

  • Cao Bằng

Đáp án câu 1

59% người chơi trả lời đúng câu hỏi này

Kỳ Cùng, dòng sông lớn nhất của tỉnh Lạng Sơn, bắt nguồn từ vùng núi Bắc Xa cao hơn 1.160 m, thuộc huyện Đình Lập. Đây là con sông duy nhất ở miền Bắc không chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, mà chảy ngược lại. Sau đó, sông hợp lưu với sông Bằng Giang ở Quảng Tây, Trung Quốc.

Đoạn sông Kỳ Cùng ở Lạng Sơn dài khoảng 243 km. Ngoài sông này, Lạng Sơn còn nhiều sông khác như sông Thương, Lục Nam, Nà Lang…. Theo Địa chí Lạng Sơn, tỉnh có mạng lưới sông ngòi phong phú do chịu sự chi phối của khí hậu nhiệt đới gió mùa, lại nằm trong vùng đất dốc thuộc khu miền núi Đông Bắc.

Câu 2: Tỉnh này tiếp giáp với mấy tỉnh trong nước?

  • 5

  • 6

  • 7

Đáp án câu 2

82% người chơi trả lời đúng câu hỏi này

Lạng Sơn là tỉnh miền núi ở phía Đông Bắc của cả nước. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là hơn 8.310 km2, tiếp giáp với Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Bắc Giang. Tỉnh này còn có đường biên giới với Trung Quốc dài hơn 230 km với hai cửa khẩu quốc tế là Hữu Nghị và Đồng Đăng.

Theo Cổng thông tin điện tử Lạng Sơn, tỉnh là điểm đầu của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hải Phòng - TP HCM - Mộc Bài, là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc với các nước ASEAN.

Câu 3: Người dân tộc nào chiếm phần đông ở tỉnh này?

  • Nùng và Tầy

  • Nùng và Mông

  • Tày và Mông

Đáp án câu 3

76% người chơi trả lời đúng câu hỏi này

Theo Niên giám thống kê năm 2023, Lạng Sơn có khoảng 807.000 người.

Còn số liệu trên Cổng thông tin điện tử tỉnh cho thấy trên 83% người dân ở đây thuộc dân tộc thiểu số. Trong đó, người Nùng chiếm tỷ lệ nhiều nhất, gần 42%, người Tày đứng thứ hai với hơn 35%. Ngoài ra, tỉnh này còn là nơi sinh sống của người Dao, Hoa, Sán chay, Mông...

Câu 4: Loại quả nào dưới đây là đặc sản của tỉnh?

  • Vải

  • Nhãn

  • Na

Đáp án câu 4

88% người chơi trả lời đúng câu hỏi này

Na là một trong những loại quả đặc sản của tỉnh Lạng Sơn. Vào những năm 1980, cây na dai được vài hộ dân ở xã Chi Lăng mang từ Hoài Đức (Hà Nội) về trồng thử giữa vách núi đá. Nhận thấy tiềm năng của loại cây này, bà con bắt đầu bỏ khoai, sắn sang trồng na.

Từ chỗ chỉ có khoảng vài trăm ha trồng na những năm 90, đến năm 2023, diện tích trồng toàn tỉnh là gần 5.000 ha, chủ yếu trên địa bàn huyện Chi Lăng và Hữu Lũng, khiến Lạng Sơn trở thành vùng trồng na lớn nhất ở miền Bắc, theo báo Lạng Sơn.

Na Chi Lăng trở thành thương hiệu của tỉnh và nổi tiếng cả nước, giúp nhiều người dân xoá đói, giảm nghèo, ăn nên làm ra.