Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu sinh ra ở đâu?
Ngôi sao sáng nhất trong nền văn h ọc miền Nam nửa sau thế kỷ 19 sinh ra tại huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (cũ). Bạn có biết nơi này hiện thuộc tỉnh, thành nào?
Câu 1: Nơi sinh của Nguyễn Đình Chiểu thuộc tỉnh, thành nào ngày nay?
-
Thừa Thiên Huế
-
TP HCM
-
Bến Tre
Đáp án câu 1
52% người chơi trả lời đúng câu hỏi này
Nguyễn Đình Chiểu, thường được gọi là Đồ Chiểu, sinh ngày 1/7/1822 tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, nay thuộc quận 1, TP HCM. Cha ông là Nguyễn Đình Huy, người gốc Thừa Thiên Huế. Mẹ là Trương Thị Thiệt, người Gia Định.
Ông là nhà thơ, nhà giáo mù, được mệnh danh là ngôi sao sáng nhất trong nền văn học miền Nam nửa sau thế kỷ 19. Trong bài viết "Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong bầu trời văn nghệ dân tộc" trên Tạp chí Văn học (tháng 7/1963), cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng viết: "Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy".
Tại kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp) tháng 11/2021, UNESCO vinh danh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại.
Câu 2: Ông bị mù do đâu?
-
Bẩm sinh
-
Học quá sức
-
Ốm nặng trên đường về quê chịu tang mẹ
Đáp án câu 2
86% người chơi trả lời đúng câu hỏi này
Nguyễn Đình Chiểu trải qua nhiều biến cố. Năm ông 10 tuổi, cha ông bị mất chức quan trong triều đình. Sau đó một năm, ông được gửi ra học ở Huế.
Năm 1843, Nguyễn Đình Chiểu thi đỗ tú tài tại trường thi Gia Định. Ba năm sau, ông ra Huế tiếp tục học, chờ triều đình mở khoa thi Kỷ Dậu (1849). Nhưng khi nghe tin mẹ mất ở quê nhà, ông bỏ thi, trở về nhà chịu tang. Trên đường về, phần vì thương khóc, phần vì vất vả do thời tiết, Nguyễn Đình Chiểu bị ốm nặng dẫn đến mù hai mắt.
Sau khi mãn tang mẹ, ông lại bị vị hôn thê bội ước. Từ đó, ông bắt đầu dạy học, làm thầy thuốc giúp dân nghèo và sáng tác thơ văn.
Câu 3: Tác phẩm nào dưới đây của Nguyễn Đình Chiểu?
-
Lục Vân Tiên
-
Văn tế ghĩa sĩ Cần Giuộc
-
Cả hai tác phẩm trên
Đáp án câu 3
78% người chơi trả lời đúng câu hỏi này
Lục Vân Tiên là truyện thơ Nôm, thể lục bát, chưa rõ thời điểm sáng tác. Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 (tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) cho biết tác phẩm có lẽ được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác vào khoảng đầu năm 50 của thế kỷ 19. Lúc này, ông bị mù, đang dạy học và chữa bệnh cho người dân ở Gia Định.
Cốt truyện xoay quanh cuộc xung đột giữa thiện và ác, đề cao tinh thần nhân nghĩa, thể hiện khát vọng lý tưởng của tác giả và nhân dân đương thời về một xã hội tốt đẹp. Do đó, mọi quan hệ giữa con người đều thấm đượm tình cảm yêu thương, nhân ái.
Theo Từ điển tác giả, tác phẩm văn học dùng cho nhà trường (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, 2009), truyện ban đầu chỉ được truyền miệng và chép tay, lưu hành trong môn đệ và những người mến mộ tác giả. Đến năm 1865, truyện được xuất bản bằng chữ Nôm, bản chữ quốc ngữ xuất bản năm 1897.
Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác để ca ngợi, thương tiếc gần 20 nghĩa sĩ đã hy sinh trong trận đánh quân Pháp tại Cần Giuộc (Long An) tháng 12/1861. Nghĩa quân đã giết được quan Pháp và một số lính thuộc địa, làm chủ đồn hai ngày rồi bị phản công và thất bại.
Bài văn tế được Nguyễn Đình Chiểu viết theo yêu cầu của ông Đỗ Quang, tuần phủ Gia Định. Trong bối cảnh cuộc chiến đấu không cân sức những ngày đầu chống Pháp, sự hy sinh này có sức cổ vũ và khích lệ to lớn. Lần đầu tiên trong nền văn học dân tộc, người nông dân nghĩa sĩ chống ngoại xâm được dựng thành một tượng đài nghệ thuật.
Câu 4: Nguyễn Đình Chiểu mất năm nào?
-
1878
-
1888
-
1898
Đáp án câu 4
36% người chơi trả lời đúng câu hỏi này
Nguyễn Đình Chiểu mất ngày 3/7/1888 tại làng An Bình Đông, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Người dân kể lại ngày an táng, cả cánh đồng An Bình Đông trắng xóa khăn tang của những người mến mộ ông.
Ông đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm thơ Nôm có giá trị, đi vào lòng người như truyện Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp cùng nhiều bài thơ Đường luật, thơ điếu và văn tế. Các nhà nghiên cứu văn học đều thống nhất thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu có tính tư tưởng, chiến đấu rất cao. Ông sáng tác có mục đích, hướng đến đối tượng cụ thể. Ông hiểu rất rõ đấu tranh cho cái gì, chống cái gì, đấu tranh cho ai và phải cùng đấu tranh với ai.
Về tầm vóc của Nguyễn Đình Chiểu, các nhà nghiên cứu xếp ông bên cạnh Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát...