Skip to main content

Vua nào có 4 con trai đều làm vua?

Câu 1: Vua nào có 4 con trai đều làm vua?

  • Lê Thần Tông

  • Lê Thánh Tông

  • Lê Nhân Tông

Đáp án câu 1

36% người chơi trả lời đúng câu hỏi này

Lê Thần Tông sinh năm 1607, tên húy là Lê Duy Kỳ, là vua thứ 17 của nhà Hậu Lê. Ông lên ngôi năm 12 tuổi, có 4 người con trai và 6 con gái. Trong đó, cả 4 người con trai đều làm vua.

Con trai cả Lê Duy Hựu (hiệu là Chân Tông) được ông nhường ngôi nhưng được 6 năm thì ốm, qua đời. Lê Thần Tông sau đó trở lại làm vua 13 năm. Nối ngôi ông là con trai thứ Lê Duy Vũ (hiệu là Huyền Tông). Người này ở ngôi được 9 năm thì ốm rồi mất khi 18 tuổi.

Người kế vị là con trai khác của Thần Tông, tên Lê Duy Hợi (hiệu là Gia Tông) nhưng cũng không qua được bạo bệnh sau bốn năm lên ngôi báu. Cuối cùng, con út của Lê Thần Tông là Lê Duy Hợp (hiệu là Hy Tông) nối ngôi, tại vị 30 năm, trước khi nhường ngôi cho con là Lê Duy Đường (hiệu là Dụ Tông).

Câu 2: Lê Lợi lập nên nhà Hậu Lê năm nào?

  • 1418

  • 1428

  • 1438

Đáp án câu 2

61% người chơi trả lời đúng câu hỏi này

Lê Lợi sinh năm 1385. Năm 1418, ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống lại ách đô hộ của nhà Minh, giành độc lập dân tộc sau 10 năm chiến đấu.

Rằm tháng 4 năm 1428, Lê Lợi lên ngôi ở Đông Kinh (tức thành Thăng Long), dựng quốc hiệu là Đại Việt, lấy hiệu là Lê Thái Tổ. Ông là người mở đầu cho triều đại kéo dài nhất trong lịch sử Việt Nam với 355 năm (nhà Hậu Lê).

Câu 3: Vua nào trị vì lâu nhất thời Hậu Lê?

  • Lê Thái Tông

  • Lê Thánh Tông

  • Lê Hy Tông

Đáp án câu 3

62% người chơi trả lời đúng câu hỏi này

Triều Hậu Lê được chia làm hai giai đoạn là Lê sơ và Lê trung hưng. Trong đó, nhà Lê sơ kéo dài 99 năm, từ 1428 đến 1527, trải qua 10 đời vua (có tài liệu chép 11 vua). Nhà Lê trung hưng kéo dài 256 năm, từ 1533 đến 1789, có 16 vua.

Lê Thánh Tông, tên huý là Lê Tư Thành, sinh năm 1442, là con của vua Lê Thái Tông và bà Ngô Thị Ngọ Dao. Ông lên ngôi năm 1460, tại vị 37 năm, lâu nhất trong các vua nhà Hậu Lê.

Thời kỳ này, nhà nước Đại Việt phát triển rực rỡ ở mọi phương diện, từ kinh tế, chính trị, quân sự đến giáo dục, văn hóa, xã hội. Lãnh thổ Đại Việt cũng được mở rộng đáng kể sau cuộc chiến với các nước xung quanh như Chiêm Thành, Ai Lao, Bồn Man.

Câu 4: Vua nào có biệt danh là “vua Lợn”?

  • Lê Cung Hoàng

  • Lê Uy Mục

  • Lê Tương Dực

Đáp án câu 4

47% người chơi trả lời đúng câu hỏi này

Lê Tương Dực sinh năm 1495, có tên húy là Oanh (một số tài liệu ghi là Oánh), lên ngôi năm 1509, sau khi được đại thần giúp đỡ lật đổ "vua Quỷ" Lê Uy Mục.

Lên làm vua, ông nhanh chóng lao vào con đường ăn chơi trụy lạc. Tương truyền, ông thường gian dâm với các cung nhân, thậm chí với cả vợ lẽ của cha nên bị gọi là "vua Lợn".

Năm 1513, sứ thần nhà Minh - Phan Huy Tăng khi sang Đại Việt, nhìn thấy vua Lê Tương Dực liền quay sang nói với người đồng hành Nhược Thủy rằng “Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lại lệch, tính háo dâm, là vua lợn, loạn vong sẽ không lâu đâu".